THIÊN CHÚA VÀ GIÁO HỘI

Chẳng dễ gì thấy được cái can đảm phản kháng đó của Giáo Hội. Nhiều cộng đoàn công giáo xem ra mệt mỏi quá rồi. Thiếu trí tuệ và can đảm để dám nghĩ vượt ra ngoài những dư luận và chủ nghĩa tân tiến thường ngày, để còn muốn bảo vệ nền tảng vững chắc của đức tin. Nhiều ki-tô hữu theo thời muốn tốt nhất trở thành một công ti dịch vụ, qua đó dùng các cuộc thăm dò dư luận để đáp ứng nhu cầu thành viên mình. Ngay cả các giám mục cũng cho ta cảm giác là Chúa Thánh Linh đã bỏ họ từ lâu rồi.

Có thể nói được rằng : Phải chăng thời điểm của Giáo Hội đã thật sự chấm dứt ? Và biết đâu, có thể Chúa đã bỏ Giáo Hội, Ngài chán ngấy Giáo Hội và đã ẩn mặt rút lui, ít ra trong một thời gian ?

Có những mệt mỏi của Giáo Hội, và chắc chắn có sự kiện “trụ đèn chỗ nào đó đã bị khuất đi”, như trong Khải-huyền nói. Chỉ cần nghĩ tới thế kỷ16. Sách vở hiện có về thời đó cho thấy Giáo Hội đã chạy theo thời như thế nào, giám mục đã yếu tin như thế nào. Họ đã trở thành một thành phần của hệ thống, chẳng còn là chứng nhân sống động của đức tin, chẳng còn khả năng tông đồ và tử đạo. Họ nhìn trước nhìn sau tìm lối thoát tốt nhất cho mình, và chỉ nỗ lực làm sao đừng để những điều xấu hơn xẩy đến. Giáo Hội thời đó như ngủ quên, gần như tiêu vong.

Tình trạng như thế luôn có thể xẩy ra. Chúa Thánh Linh làm ta xấu hổ, là vì cứ mỗi lần như thế, đâu đó bỗng nhiên lại có làn gió canh tân cần thiết hoàn toàn từ bên ngoài thổi vào. Những lực canh tân thời đó là Tê-rê-xa ở Avila và Gio-an thánh giá, là I-nhã ở Loyola và Phi-lip Nê-ri và những người khác như thế. Thoạt tiên, giáo quyền ngỡ ngàng và sợ hãi trước những biến chuyển đó, nhưng rồi cuối cùng chúng được nhìn nhận như là những bước đổi mới thật sự.

Rõ ràng Giáo Hội có mệt mỏi. Có thể Giáo Hội trong cả một vùng văn hoá nào đó mỏi mệt và ngã đổ. Qua bảy lá thư gởi bảy Giáo Hội, sách Khải-huyền điển hình cảnh cáo về tương lai : Coi chừng, nếu không thì tôi sẽ xô ngã cột đèn. Quả thật, sau những cơn bão tố Islam, không những Giáo Hội ở Tiểu Á, một thời là con cưng của Giáo Hội hoàn vũ, mà cả Giáo Hội ở Phi châu, đã biến mất. Dĩ nhiên, việc suy sụp của các Giáo Hội thời đó không đơn giản chỉ do mệt mỏi, nhưng bạo lực của kẻ xâm chiếm cũng là một yếu tố phải kể đến, bạo lực đó đã cày nát nhiều lớp dân chúng. Nhưng dù sao, chuyện như thế có thể xẩy ra.

Lời hứa của Đức Ki-tô : “Ta sẽ ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế” không có nghĩa là từng giáo phận đã có được bảo chứng tồn tại mãi mãi. Nhưng lời đó có nghĩa là, cho tới ngày Ngài lại đến, Giáo Hội chân thực sẽ là nơi Ngài ngự, là cơ thể, là thịt, là vườn nho của Ngài.

Có lẽ Chúa không để cho Giáo Hội hoàn toàn sụp đổ. Nhưng có liều lĩnh lắm không, nếu như giờ đây ta muốn bắt đầu làm lại một cái gì hoàn toàn mới? Như vậy, sẽ có một Cựu Ước, một Trung ước và một Tân Ước. Người ta vẫn nói, cái gì có ba thì tốt.

Điều đó Gio-a-kim ở Fiore* trong thế kỷ12 cũng đã nghĩ tới. Ông cho rằng lịch sử phải phù hợp với ba thời của ba ngôi Thiên Chúa. Thời Cha, thời của Cựu Ước, là thời của lề luật nghiêm nhặt. Thời Con là thời của Giáo Hội đã giảm nhẹ đi đôi chút, để bước sang thời Thánh Thần, là thời của một Giáo Hội tinh thần hoàn toàn mới. Giáo Hội tinh thần sẽ làm hoà lại Đông với Tây, Do-thái giáo với Ki-tô giáo, sẽ mang lại tự do đích thực của lề luật. Lí thuyết đó đã tạo nên những cơn sóng lịch sử lớn. Thoạt tiên, một phần dòng Phan-sinh coi mình là Giáo Hội tinh thần mới đó. Tư tưởng kia sau đó đi vào thế tục với sản phẩm “đệ tam quốc-xã” của Hitler.

Henri de Lubac đã viết hai tập sách dày về những hậu quả do tư tưởng Gio-a-kim gây ra. Trong đó, tác giả cho thấy tư tưởng đó đã tạo ra những tranh cãi thần học lớn như thế nào, khi nó khiến một phần dòng Phan-sinh tự coi mình là Giáo Hội thánh chân thực và đã chống lại một giáo triều đã bị tục hoá. Trong sách, tác giả cũng phân tích cho thấy lịch sử đã không chia thành ba thời kì như Gio-a-kim nghĩ. Toàn bộ lịch sử là thời gian của một Thiên Chúa ba ngôi. Giáo Hội (sống chân thực với sứ mạng mình) là Lời cuối cùng của Thiên Chúa trong lịch sử, bởi vì Đức Ki-tô là Lời sau hết của Ngài, là toàn bộ Lời của Ngài. Giáo Hội có thể triển nở ra muôn mặt, nhưng nó không thể trở thành một cái gì khác. Nó phải thật sự phản ảnh lời hứa : Ta ở với anh em, bên anh em, với Giáo Hội này cho tới tận thế. Còn mọi thứ khác đều là tự chế, là sản phẩm của con người, chúng đến rồi đi.

Chúa Kitô nói: “Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân”. Bản tường thuật lời tuyên bố song song trong Thánh Mác-cô, Người nói tiếp: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để năm giữ truyền thống của các ông” (Mc 7,9).

Kitô-giáo trên thế giới đầy dẫy truyền thống. Một trong những truyền thống rộng lớn nhất là cái nhìn truyền thống về Giáo Hội thời Tân Ước. Đa số các thừa tác viên, các nhà thần học và những kẻ cuồng tín đều định nghĩa một cách đặc trưng Giáo Hội theo cách nầy: “Tất cả những ai chân thành tin nơi Chúa Giêsu Kitô như là Đâng Cứu Tinh của họ, làm thành Giáo Hội đích thực”. Điều nầy thường được kèm theo với tuyên bố quen thuộc nầy: “Có nhiều con đường dẫn tới thiên đàng” hoặc “có nhiều nan hoa của chiếc bánh xe ơn cứu rỗi”. Mặc dù Kinh Thánh không dạy rằng thiên đàng là phần thưởng cho người được cứu thoát, nhưng hàm ý rõ ràng của những điều nầy là người ta có thể tin vào những gì họ muốn, hoặc là một thành phần của bất kỳ nhóm nào do họ chọn lựa và bao lâu họ còn là Kitô-hữu, thì họ vẫn còn nhận được bất kỳ điều gì là ơn cứu rỗi. Trong khi người ta có thể chân thành tin vào những ý tưởng truyền thống nầy, thì họ lại bị sai lầm một cách chân thành. (Trích Đâu Rồi Giáo Hội Thật Của Chúa, David C. Pack)